DIỄN ĐÀN hochanh.net.vn
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến học hành và tham gia diễn đàn hochanh.net.vn

Join the forum, it's quick and easy

DIỄN ĐÀN hochanh.net.vn
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến học hành và tham gia diễn đàn hochanh.net.vn
DIỄN ĐÀN hochanh.net.vn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
Gallery


NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH Empty
Đăng nhập với tên thanhvien VIP

28/8/2010, 21:37 by ABC

BẠN CÓ THỂ ĐĂNG KÝ RỒI ĐĂNG NHẬP
HOẶC ĐĂNG NHẬP
VỚI TÊN thanhvienvip
hoặc thanhvien 1
hoặc thanhvien 2
hoặc thanhvien 3

và mật khẩu là 1234567890

để không có dòng quảng cáo trên.

Comments: 0

HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH ?

28/4/2010, 22:40 by Admin

Học đi đôi với hành


“ trăm hay không bằng tay quen”. người lao động xưa đã từng quan niệm rằng lí thuyết hay không bằng thức hành giỏi. điều đó cho thấy người xưa đã đề cao vai trò của thức hành . trong khi đó những kẻ học thức chỉ biết chữ nghĩa thánh hiền, theo lối học từ chương sáo mòn cũ kĩ. …

[ Full reading ]

Comments: 2

Poll
Keywords

Phân  phẩm  tích  


NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

+2
ABC
Admin
6 posters

Go down

NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH Empty NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

Bài gửi by Admin 12/1/2011, 21:08

Nghị luận về tình yêu quê hương trong bài "Quê hương" của Tê Hanh???????
Trước cách mạng tháng Tám, Tế Hanh là một nhà thơ của phong trào " Thơ mới", nhưng khác với giọng điệu sầu não, bi ai, thơ Tế Hanh là một hồn thơ chân chất , trẻ trung, khỏe khoắn. Quê hương là một đề tài in đậm nét trong thơ ông suốt cả hành trình thơ, bài " Quê hương" một sáng tác tiêu biểu của Tế Hanh.
Bài thơ ghi lại tình cảm của tác giả với quê hương mình, một làng chài ven biển Quảng Ngãi, tình cảm ấy như được nhân lên gấp bội phần khi tác giả xa quê, xa những con người " dân chài lưới làn da ngăm rám nắng", xa cái nơi " chim bay dọc biển đem tin cá".
Về nghệ thuật : bút pháp tả thực tinh xảo của nhà thơ đã vẽ nên bức tranh phong cảnh quê hương sống động, nhịp thơ sôi nổi thiết tha thể hiện tình cảm gắn bó và niềm tự hào về quê hương.

Trong bài thơ "Quê hương" nổi tiếng của Tế Hanh viết về cuộc sống của làng quê ông, một làng chài lưới ven con sông Trà Bồng "cách biển nửa ngày sông", mở đầu nhà thơ dùng một câu thơ của thân phụ ông: "Chim bay dọc biển đem tin cá" - một câu thơ mà bất cứ người dân miệt biển nào của Quảng Ngãi cũng đều cảm nhận được, một câu thơ thật thà như quê hương biển giã nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên, thật thà như suốt một đời thơ Tế Hanh -

Quảng Ngãi vốn là đất nghèo, dù là đất núi, đất ruộng hay đất biển. Nhưng có phải khi quê mình, càng nghèo, như mẹ mình nghèo, thì mình càng yêu quê mình yêu mẹ mình với một tình yêu pha lẫn xót xa: "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/Nước bao vây cách biển nửa ngày sông/" (Quê hương).
Trong văn học Việt Nam hiện đại có được bao nhiêu bài thơ viết về một dòng sông quê hương Việt Nam mà hay như bài thơ này của Tế Hanh ?
" Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng..."

Cứ đọc từng câu thơ là thấy quê hương chúng tôi hiện lên không lẫn vào đâu được! Chúng tôi hạnh phúc quá vì được sinh ra bên những dòng sông như thế, và hạnh phúc hơn là dòng sông bình dị của quê hương chúng tôi đã được một nhà thơ đồng hương bằng ngôn từ bình dị đến thế đểcho " lai láng chảy" trong trí nhớ, trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.

Khi đọc đến đoạn thơ:
" Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả/
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông/
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng/
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến/
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển/
Vẫn trở về lưu luyến bên sông/"

tôi cứ ngỡ như nhà thơ đang viết về chúng ta, những người không biết làm thơ nhưng yêu nước và cũng lớn lên bên một dòng sông, cũng "cầm súng xa nhà đi kháng chiến" từ khi tuổi còn rất trẻ.

Chúng ta biết ơn Tế Hanh chính từ những bài thơ như thế của ông, những bài thơ đã nói giùm tấm lòng những người dân quê, những bà con mình:
"...tụm năm tụm bảy/
Bầy chim non bơi lội trên sông/
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng/
Sông mở nước ôm tôi vào dạ/..."

Tôi cứ nghĩ, một nhà thơ đã có những bài thơ đi sâu vào kỷ niệm của những người bình thường như thế, là nhà thơ bất tử. Tế Hanh là nhà thơ bất tử.
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 480
Điểm : 14631
Reputation : 0
Birthday : 01/01/1964
Join date : 19/04/2010
Age : 60
Đến từ : TP HCM VIET NAM

http://hochanh.net.vn

Về Đầu Trang Go down

NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH Empty Re: NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

Bài gửi by ABC 12/1/2011, 21:12

Nhà thơ Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20/6/1921 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông học ở trường làng, trường huyện. Đến tuổi 15, nhà thơ tương lai ra Huế học trung học. Chính nơi đây, ông bắt đầu gặp gỡ, giao lưu với các tác giả của phong trào Thơ Mới và dần dà trở thành một trong những cây bút từng làm nên một thời đại hoàng kim cho thi ca Việt Nam.

Kể từ đó, ông được độc giả yêu mến qua những tập thơ như Lòng miền Nam (1956), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963), Con đường và dòng sông (1980), Em chờ anh (1994)...Chủ đề quen thuộc thời kỳ này của ông là tình cảm với miền Nam quê hương, ý chí đấu tranh, khát vọng thống nhất Tổ quốc. Tác giả có những vần thơ thiết tha về quê hương đã đi vào lòng người với những sáng tác tiêu biểu như Quê hương, Nhớ con sông quê hương, Mặt quê hương... Với những đóng góp nổi bật đó, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996. Giới phê bình và bạn đọc đều cho rằng Tế Hanh thành công trong cả phong trào Thơ Mới và sau cách mạng tháng Tám. "Mảnh hồn làng" của ông đã ghi dấu ấn rất riêng trong phong trào Thơ Mới và sau đó những bài thơ của ông đã đóng góp đáng kể cho thơ ca hiện đại Việt nam. Cho dù sau cách mạng tháng Tám, bút pháp của ông thay đổi hẳn nhưng cái tinh tế, tình yêu của ông dành cho đất nước, quê hương và tất nhiên cho người phụ nữ trong thơ Tế Hanh thì vẫn đâm chồi nảy lộc.

Sau Cách mạng tháng Tám, Tế Hanh có nhiều bài thơ hay về quê hương, đất nước, về cuộc chiến tranh chống Mỹ như "Nhớ con sông quê hương", "Đi suốt bài ca"... Nhà thơ Thanh Thảo khẳng định: "Thơ Tế Hanh không có gì lạ lẫm, gần gũi như con đường làng, dòng sông, nhưng đọng lại trong ta rất lâu khi ta đã đi qua". Cho đến nay nhiều người vẫn thuộc lòng những câu thơ về quê hương của ông: "Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Toả nắng xuống dòng sông ấm áp/ Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng/ Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi/ Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi/ Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ…"

Không chỉ thành công trong những bài thơ viết về quê hương, nhiều người cho rằng những áng thơ tình của nhà thơ Tế Hanh cũng đã để lại được những dấu ấn sâu đậm. Nhà thơ Ngô Văn Phú từng nhận xét: "Có thể nói sau Xuân Diệu, anh là người làm thơ tình nhiều nhất". Thơ tình của Tế Hanh không lãng mạn bay bổng cũng không dằn vặt khổ đau mà rất tự nhiên, gắn với hoàn cảnh, cuộc sống cụ thể, thế nhưng chính những điều tưởng như bình thường ấy lại biểu hiện được tình yêu, một trong những nhiệm vụ luôn luôn khó khăn đối với người cầm bút. Trong bài "Vườn xưa" ông viết: "Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa/ Như mặt trăng mặt trời cách trở/ Như sao Hôm sao Mai không cùng ở/ Có bao giờ trở lại vườn xưa?/ Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu/ Như tháng mười hồng tháng năm nhãn/ Em theo chim em đi về tháng tám/ Anh theo chim cùng với tháng ba qua/ Một ngày xuân em trở lại nhà/ Nghe mẹ nói anh có về anh hái ổi/ Em nhìn lên vòm cây gió thổi/ Lá như môi thầm thỉ gọi anh về/ Lần sau anh trở lại một ngày hè/ Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt/ Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt/ Nước như gương soi lẻ bóng hình anh…".

Trong "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh và Hoài Chân viết về Tế Hanh trong những ngày đầu ông đến với văn chương (Hồi đó ông đang học năm thứ 2 ban trung học): "Hôm đầu tôi gặp người thiếu niên ấy người rụt rè ngượng nghịu như một chàng rể mới nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt. Đôi mắt nồng nàn lạ. Tôi nghĩ ở một người như thế, những điều cảm xúc, những nỗi đau xót sẽ quá mức thường và có khi khác thường." Nhưng "Tế Hanh còn trẻ lắm và cũng mới bước vào làng thơ, chưa có thể biết rõ những con đường người sẽ đi". Nhưng, trải nghiệm cùng thời gian, thơ Tế Hanh, như Mai Quốc Liên nhận xét, là những lời tâm tình mát rượi và sâu thẳm, rất tự nhiên, rất hồn nhiên nhưng cũng thật điêu luyện, nghệ thuật. Có nghệ thuật nào cao hơn sự tinh luyện, chắt lọc và giản dị ấy…

10 năm nay, kể từ ngày nhà thơ Tế Hanh bị tai biến và nằm liệt giường, căn gác số 10 Nguyễn Thượng Hiền dường như cũng vắng lặng hơn mặc dù bạn bè văn nhân, những người yêu mến nhà thơ Tế Hanh vẫn thường đến thăm ông. Hồi đầu, dù không nói được nhưng ông vẫn hiểu và gật hoặc lắc đầu nếu ai đó hỏi đến, nhưng dần dần, những phản xạ của ông cũng đã không còn minh mẫn nữa.

Nhạc sĩ Thế Bảo ngậm ngùi kể qua điện thoại nguyên do của sự nghiệt ngã đã khiến nhà thơ Tế Hanh phải nằm liệt giường: "Tháng 5/ 1999, Hội Nhà văn tổ chức kỷ niệm 40 năm đường Trường Sơn, nhà thơ Tế Hanh đi cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật đến tham dự chương trình, có lẽ xúc động nhớ lại một quãng thời gian kỷ niệm đã gắn bó cuộc đời mình với con đường ấy nên ông đã gục trên ghế danh dự của Cung Văn hóa Lao động Hữu Nghị Việt - Xô". Nhớ về cái đêm định mệnh ấy, bà Trần Thị Lâm Yến, người vợ hiền đã chăm sóc chồng chục năm qua, cũng đã tâm sự rằng, trước khi đi, vì mắt kém ông đã nhờ bà đọc lại cho ông nghe những bài thơ viết về Trường Sơn. Ông nhẩm thuộc lấy vài đoạn để chuẩn bị phát biểu trong đêm thơ... Có lẽ vì quá xúc động khi nhớ về một thời máu lửa đạn bom và cũng do sức khỏe kém nên khi nhà thơ Nguyễn Đình Thi quay lại nói chuyện, thấy Tế Hanh đã bị ngã qụy xuống ghế. 19h tối xe của Hội Nhà văn đến đón ông đi thì khoảng 21giờ bà được gọi điện thoại báo tin ông bị xỉu. Xe cấp cứu đưa ông vào Bệnh viện Hữu Nghị, nhưng mọi thứ đã không thể cứu vãn được. Nhà thơ Tế Hanh đã mãi mãi lạc vào cõi mê cho đến ngày ông trút hơi thở cuối cùng… Ông từ biệt cõi trần để "rẽ sóng chạy ra khơi" như "Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ".

Tế Hanh là nhà thơ suốt đời tận tuỵ với nhân văn, với một bút pháp riêng đã được định hình và được công chúng hào hứng đón nhận. Giới phê bình và bạn đọc đều đánh giá cao thành công của ông cả trong phong trào Thơ Mới và sau Cách mạng tháng Tám. Chắc chắn, hậu thế sẽ còn mãi nhắc tên ông cùng những bài thơ đã đi cùng năm tháng
ABC
ABC
Admin

Tổng số bài gửi : 305
Điểm : 15339
Reputation : 0
Join date : 10/05/2010

Về Đầu Trang Go down

NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH Empty Re: NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

Bài gửi by ABC 12/1/2011, 21:14

Tế Hanh - nhà thơ lớn Việt Nam thế kỷ 20 - có thể nói như vậy trong ý nghĩa toàn vẹn nhất của nó. Ông có mặt ấn tượng trong phong trào thơ mới, ở hàng đầu nền thơ ca cách mạng và kháng chiến. Thơ ông là bài ca đấu tranh thống nhất rực lửa. Thơ ông thể hiện một cách phong phú và dào dạt những tình cảm của con người Việt Nam thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông cũng là nhà thơ tình xuất sắc.




Trên con đường lớn của văn nghệ, mỗi nhà văn, nhà thơ đều có một phong cách và một lối đi riêng. Có lối đi nở đầy hoa trong hiện tại nhưng mau chóng mờ nhạt và bặt hẳn dấu tích trước nhịp bước thời gian. Có lối nhỏ luồn qua hẻm núi, rừng gai hôm nay, một ngày nào đó chợt mở òa đài lộ. Có tiếng nói, có con đường hôm qua được đồng cảm, nâng niu mà hôm nay và ngày mai cũng được nâng niu, đồng cảm - đó là đường thơ Tế Hanh.
Với mảnh hồn làng, ông bay qua nhiều thế kỷ.

Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh sinh ngày 20-6-1921 ở làng Ðông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Về làng Ðông Yên, Tế Hanh đã từng kể: "Cái làng miền nam ấy tên gọi Ðông Yên là một hòn đảo nằm giữa lòng sông Trà Bồng trước khi đổ xuôi về biển lớn. Tuổi nhỏ của tôi đã trôi qua những cái mùi mặn mặn của những mẻ cá và trong tiếng ru vừa bát ngát vừa êm đềm của bốn bề sóng vỗ. Trên làng tôi, quay mặt về phương nào cũng thấy những tấm lưới, những mái chèo và nhất là những cánh buồm căng gió...".

Cha ông là một nhà nho lỡ vận. Ông tham gia Cần Vương, khi phong trào bị đàn áp, ông bị quản thúc ở làng, thường ngâm câu "chim quyên xuống đất ăn trùn, anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than" trong nỗi lòng u uất.

Ông cũng là một nhà thơ có những bài thơ đặc sắc về quê hương mà Tế Hanh chỉ còn nhớ một câu, chỉ một câu thôi cũng đủ thấy một thi tài, một ngọn nguồn nuôi dưỡng hồn thơ Tế Hanh sau này: “Chim bay dọc bể đem tin cá; Sông ở kề sân, nước sát nhà”.

Năm 1939, Tế Hanh đã có tập thơ “Nghẹn ngào” được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Các nhà thơ mới khi ấy, mỗi người đã như một tinh cầu chói sáng với những tư tưởng, cảm quan lớn lao và khác lạ so với sự cũ kỹ và đơn điệu trước đó. Chế Lan Viên làm sống lại lịch sử và những nước non đã mất; Xuân Diệu làm hoa lá cũng phải bừng dậy để yêu nhau; Huy Cận với cảm quan vũ trụ; Hàn Mặc Tử đồng hóa hồn mình với sự vật, sáng tạo hẳn một thế giới vừa gần gũi, vừa kỳ bí của tâm linh; Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vĩ... dấn thân trong thác loạn.

Tế Hanh đến với Thơ mới, đến với thơ bằng xúc cảm chân thực của mối tình quê trong sáng nhưng cũng tinh tế và nhuốm nỗi buồn thương nhân thế. Cho đến mãi sau này, Tế Hanh vẫn thích bài “Quê hương”: Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới, Nước bao vây cánh biển nửa ngày sông..., Cánh buồm giương to như một mảnh hồn làng, Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...; còn bọn học trò thì thích “Vu vơ”, đồng cảm với những biệt ly trên sân ga: Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề, Khói phì như nghẹn nỗi đau tê, Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ, Lòng của người đi réo kẻ về ...

Ngay từ hồi đó, Hoài Thanh đã nhận xét: "Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi", "Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người có sẵn một tâm hồn tha thiết".

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Mã Giang Lân cho rằng, tạng thơ của Tế Hanh là "giản dị, trong sáng, tinh tế mà đậm tình đất nước" (tựa tuyển tập Tế Hanh, tập 2, NXB Văn học, 1997).

Còn nhà thơ Chế Lan Viên, người bạn thân thiết của Tế Hanh thì viết: "Khả năng nhìn thấy hồn sự vật, khả năng suy nghĩ trừu tượng của anh khá mạnh. Nhưng hình như nói đến anh, người ta hay nghĩ đến thơ tình, đến trái tim yếu đuối của anh hơn là những thao tác sắc sảo của trí tuệ" ...

Thơ của Tế Hanh vì thế bộc trực tả tình, tràn tình, tình để ở trần hơn là nấp sâu, che giấu một cái tứ. Cố nhiên anh có nhiều bài lập tứ khá hay. Nhưng ý tứ ở anh cũng là cái tứ của trái tim hơn của óc, cái tứ của anh không phải cái bẫy cầu kỳ của trí tuệ để nhử những con chim kỳ lạ, mà chỉ là cái nhành giản đơn vừa đủ cho tình cảm bay về" (Tế Hanh hay thơ và cách mạng).

Là một ngòi bút tả thực và thiên về tình cảm, gần gũi với sự vật, rất nhiều khi người ta không còn thấy thi sĩ Tế Hanh ở đâu nữa. Ông bị sự vật nuốt lấy, bị tầm thường hóa cùng sự vật.

Trong 15 tập thơ của ông, tập nào cũng có những bài, những câu mà bây giờ đọc lại không thấy thơ nữa mà chỉ là những câu chuyện nôm na:

Tế Hanh là người đầu tiên nhận ra những bài thơ dở của mình. Ông thành thật: "Hồi kháng chiến, tôi có làm một số bài thơ có phần dễ dãi, trong đó tôi ít chú ý đến chất lượng nghệ thuật", "gần đây (thời chống Mỹ) vẫn còn có những bài thơ mà tôi làm không đạt, do tình cảm chưa sâu chưa thực, nhất là về một số vấn đề thời sự mà hầu như tôi làm thơ với cái ý nghĩ "không lẽ ở đây mình không có một bài thơ"".

Nhưng dù số bài thơ không đạt có nhiều đến bao nhiêu chăng nữa, có lấn át về số lượng, thì những bài hay còn lại của Tế Hanh cũng đủ khẳng định ông là một thi sĩ tài hoa.

Và quan trọng hơn, khẳng định một con đường thơ cần tiếp bước: đi vào sự gần gũi, thể hiện "mảnh hồn làng" và những nỗi niềm thiết thân của tâm hồn Việt. Ðó là con đường có đích, có kết tinh giá trị thật, cứ đi rồi sẽ đến, chứ không nên theo những lối mầu mè để nhử những con chim lạ.

Nhắc đến Tế Hanh là nhắc đến bài “Nhớ con sông quê hương” được viết năm 1956. "Hòa bình lập lại, Tế Hanh viết, tiếng súng ngừng nổ, nhưng ai không đau lòng về tình trạng đất nước chia cắt? Tôi nhớ miền nam, nhớ quê hương tôi, nhớ từng "bờ tre", "mặt nước", nhớ "chài lưới bên sông", "mưa nắng ngoài đồng", nhớ bà con, đồng chí và "nhớ cả những người không quen biết"...
Ôi mảnh đất quê hương yêu dấu đó, nay bị nằm trong nanh vuốt của Mỹ - Diệm, mang nặng bao nhiêu đau xót giận hờn. Bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của tôi đã nảy sinh ra trong niềm buồn hận day dứt đó. Niềm buồn hận day dứt càng trở nên day dứt khi những hình ảnh của quê hương lại lẫn lộn cùng những kỷ niệm của tuổi nhỏ nên thơ"...

Bài thơ tả về con sông. Ðó là con sông soi bóng hình ảnh quê hương "nước gương trong soi tóc những hàng tre", soi bóng kỷ niệm tuổi thơ và gợi về những nỗi nhớ. Còn có một dòng sông khác, đó là tâm hồn. Hai dòng sông soi bóng vào nhau trong cả quá khứ, hiện tại và cho đến muôn đời. Ðó là vĩnh hằng quê hương, Tổ quốc. Con sông còn gợi lên sự trôi chảy, đổi thay của kiếp người và ước mơ trở lại với tuổi hồn nhiên, trong sáng, đầy ắp tình thương và tiếng cười. Với thẳm sâu những tầng ý nghĩa ấy, bài thơ được thuộc lòng trong nhiều thế hệ. Lòng yêu nước, yêu nhà cũng được thắp lên từ những điều giản dị như vậy. Và phải chăng, đó chính là sứ mệnh của nhà thơ ?

Cũng thiên về tình cảm, Tế Hanh có những câu thơ cô đọng mà lay động, rợn ngợp như thơ Ðường và hơn cả thơ Ðường.
ABC
ABC
Admin

Tổng số bài gửi : 305
Điểm : 15339
Reputation : 0
Join date : 10/05/2010

Về Đầu Trang Go down

NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH Empty Re: NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

Bài gửi by BuiXuanTung 12/1/2011, 21:16

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG

Quê hương là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều nhà thơ Việt Nam và đặc biệt là Tế Hanh - một tác giả có mặt trong phong trào Thơ mới và sau cách mạng vẫn tiếp tục sáng tác dồi dào. Ông được biết đến qua những bài thơ về quê hương miền Nam yêu thương với tình cảm chân thành và vô cùng sâu lắng. Ta có thể bắt gặp trong thơ ông hơi thở nồng nàn của những người con đất biển, hay một dòng sông đầy nắng trong những buổi trưa gắn với tình yêu quê hương sâu sắc của nhà thơ. Bài thơ “Quê hương” là kỉ niệm sâu đậm thời niên thiếu, là tác phẩm mở đầu cho nguồn cảm hứng về quê hương trong thơ Tế Hanh, bài thơ đã được viết bằng tất cả tấm lòng yêu mến thiên nhiên thơ mộng và hùng tráng, yêu mến những con người lao động cần cù.

Bài thơ được viết theo thể thơ tám chữ phối hợp cả hai kiểu gieo vần liên tiếp và vần ôm đã phần nào thể hiện được nhịp sống hối hả của một làng chài ven biển:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Quê hương trong tâm trí của những người con Việt Nam là mái đình, là giếng nước gốc đa, là canh rau muống chấm cà dầm tương. Còn quê hương trong tâm tưởng của Tế Hanh là một làng chài nằm trên cù lao giữa sông và biển, một làng chài sóng nước bao vây. một khung cảnh làng quê như đang mở ra trước mắt chúng ta vô cùng sinh động: “Trời trong - gió nhẹ - sớm mai hồng”, không gian như trải ra xa, bầu trời như cao hơn và ánh sáng tràn ngập. Bầu trời trong trẻo, gió nhẹ, rực rỡ nắng hồng của buổi bình minh đang đến là một báo hiệu cho ngày mới bắt đầu, một ngày mới với bao nhiêu hi vọng, một ngày mới với tinh thần hăng hái, phấn chấn của biết bao nhiêu con người trên những chiếc thuyền ra khơi:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Nếu như ở trên là miêu tả vào cảnh vật thì ở đây là đặc tả vào bức tranh lao động đầy hứng khởi và dạt dào sức sống. Con thuyền được so sánh như con tuấn mã làm cho câu thơ có cảm giác như mạnh mẽ hơn, thể hiện niềm vui và phấn khởi của những người dân chài. Bên cạnh đó, những động từ “hăng”, “phăng”, “vượt” diễn tả đầy ấn tượng khí thế băng tới vô cùng dũng mãnh của con thuyền toát lên một sức sống tràn trề, đầy nhiệt huyết. Vượt lên sóng. Vượt lên gió. Con thuyền căng buồm ra khơi với tư thế vô cùng hiên ngang và hùng tráng:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...

Từ hình ảnh của thiên nhiên, tác giả đã liên tưởng đến “hồn người”, phải là một tâm hồn nhạy cảm trước cảnh vật, một tấm lòng gắn bó với quê hương làng xómTế Hanh mới có thể viết được như vậy.Cánh buồm trắng vốn là hình ảnh quen thuộc nay trở nên lớn lao và thiên nhiên.Cánh buồm trắng thâu gió vượt biển khơi như hồn người đang hướng tới tương lai tốt đẹp.Có lẽ nhà thơ chợt nhận ra rằng linh hồn của quê hương đang nằm trong cánh buồm. Hình ảnh trong thơ trên vừa thơ mộng vừa hoành tráng, nó vừa vẽ nên chính xác hình thể vừa gợi được linh hồn của sự vật. Ta có thể nhận ra rằng phép so sánh ở đây không làm cho việc miêu tả cụ thể hơn mà đã gợi ra một vẻ đẹp bay bổng mang ý nghĩa lớn lao. Đó chính là sự tinh tế của nhà thơ. Cũng có thể hiểu thêm qua câu thơ này là bao nhiêu trìu mến thiêng liêng, bao nhiêu hy vọng mưu sinh của người dân chài đã được gửi gắm vào cánh buồm đầy gió. Dấu chấm lửng ở cuối đoạn thơ tạo cho ta ấn tượng của một không gian mở ra đến vô cùng, vô tận, giữa sóng nước mênh mông, hình ảnh con người trên chiếc tàu nhỏ bé không nhû nhoi đơn độc mà ngược lại thể hiện sự chủ động, làm chủ thiên nhiên của chính mình.

Cả đoạn thơ là khung cảnh quê hương và dân chài bơi thuyền ra đánh cá, thể hiện được một nhịp sống hối hả của những con người năng động, là sự phấn khởi, là niềm hi vọng, lạc quan trong ánh mắt từng ngư dân mong đợi một ngày mai làm việc với bao kết quả tốt đẹp:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Những tính từ “ồn ào”, “tấp nập” toát lên không khí đông vui, hối hả đầy sôi động của cánh buồm đón ghe cá trở về. Người đọc như thực sự được sống trong không khí ấy, được nghe lời cảm tạ chân thành đất trời đã sóng yên, biển lặng để người dân chài trở về an toàn và cá đầy ghe, được nhìn thấy “những con cá tươi ngon thân bạc trắng”. Tế Hanh không miêu tả công việc đánh bắt cá như thế nào nhưng ta có thể tưởng tượng được đó là những giờ phút lao động không mệt mỏi để đạt được thành quả như mong đợi.

Sau chuyến ra khơi là hình ảnh con thuyền và con người trở về trong ngơi nghỉ:

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về năm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Có thể nói rằng đây chính là những câu thơ hay nhất, tinh tế nhất của bài thơ. Với lối tả thực, hình ảnh “làn da ngắm rám nắng” hiện lên để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc thì ngay câu thơ sau lại tả bằng một cảm nhận rất lãng mạn “Cả thân hình nồng thở vị xa xăm” - Thân hình vạm vỡ của người dân chài thấm đẫm hơi thở của biển cả nồng mặn vị muối của đại dương bao la. Cái độc đáo của câu thơ là gợi cả linh hồn và tầm vóc của con người biển cả. Hai câu thơ miêu tả về con thuyền nằm im trên bến đỗ cũng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Nhà thơ không chỉ thấy con thuyền nằm im trên bến mà còn thấy cả sự mệt mỏi của nó. Cũng như dân chài, con thuyền có vị mặn của nước biển, con thuyền như đang lắng nghe chất muối của đại dương đang thấm trong từng thớ vỏ của nó. Thuyền trở nên có hồn hơn, nó không còn là một vật vô tri vô giác nữa mà đã trở thành người bạn của ngư dân. Không phải người con làng chài thì không thể viết hay như thế, tinh như thế, và cũng chỉ viết được những câu thơ như vậy khi tâm hồn Tế Hanh hoà vào cảnh vật cả hồn mình để lắng nghe. Ở đó là âm thanh của gió rít nhẹ trong ngày mới, là tiếng sóng vỗ triều lên, là tiếng ồn ào của chợ cá và là những âm thanh lắng đọng trong từng thớ gỗ con thuyền. Có lẽ, chất mặn mòi kia cũng đã thấm sâu vào da thịt nhà thơ, vào tâm hồn nhà thơ để trở thành nỗi niềm ám ảnh gợi bâng khuâng kì diệu. Nét tinh tế, tài hoa của Tế Hanh là ông “nghe thấy cả những điều không hình sắc, không âm thanh như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”... Thơ Tế Hanh là thế giới thật gần gũi, thường ta chỉ thấy một cách lờ mờ, cái thế giới tình cảm ta đã âm thầm trao cảnh vật: sự mỏi mệt, say sưa của con thuyền lúc trở về bến...”

Nói lên tiếng nói từ tận đáy lòng mình là lúc nhà thơ bày tỏ tình cảm của một người con xa quê hướng về quê hương, về đất nước :

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc thuyền vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá

Nếu không có mấy câu thơ này, có lẽ ta không biết nhà thơ đang xa quê. ta thấy được một khung cảnh vô cùng sống động trước mắt chúng ta, vậy mà nó lại được viết ra từ tâm tưởng một cậu học trò. từ đó ta có thể nhận ra rằng quê hương luôn nằm trong tiềm thức nhà thơ, quê hương luôn hiện hình trong từng suy nghĩ, từng dòng cảm xúc. Nối nhớ quê hương thiết tha bật ra thành những lời nói vô cùng giản dị: “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”. Quê hương là mùi biển mặn nồng, quê hương là con nước xanh, là màu cá bạc, là cánh buồm vôi. Màu của quê hương là những màu tươi sáng nhất, gần gũi nhất. Tế Hanh yêu nhất những hương vị đặc trưng quê hương đầy sức quyến rũ và ngọt ngào. Chất thơ của Tế Hanh bình dị như con người ông, bình dị như những người dân quê ông, khoẻ khoắn và sâu lắng. Từ đó toát lên bức tranh thiên nhiên tươi sáng, thơ mộng và hùng tráng từ đời sống lao động hàng ngày của người dân.

Bài thơ đem lại ấn tượng khó phai về một làng chài cách biển nửa ngày sông, lung linh sóng nước , óng ả nắng vàng. Dòng sông, hồn biển ấy đã là nguồn cảm hứng theo mãi Tế Hanh từ thuở “hoa niên” đến những ngày tập kết trên đất Bắc. Vẫn còn đó tấm lòng yêu quê hương sâu sắc, nồng ấm của một người con xa quê:

Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm hôm chài lưới ven sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bến sông
(Nhớ con sông quê hương – 1956)

Với tâm hồn bình dị, Tế Hanh xuất hiện trong phong trào Thơ mới nhưng lại không có những tư tưởng chán đời, thoát li với thực tại, chìm đắm trong cái tôi riêng tư như nhiều nhà thơ thời ấy. Thơ Tế Hanh là hồn thi sĩ đã hoà quyện cùng với hồn nhân dân, hồn dân tộc, hoà vào “cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”.“Quê hương” - hai tiếng thân thương, quê hương - niềm tin và nỗi nhơ,ù trong tâm tưởng người con đấùt Quảng Ngãi thân yêu - Tế Hanh - đó là những gì thiêng liêng nhất, tươi sáng nhất. Bài thơ với âm điệu khoẻ khoắn, hình ảnh sinh động tạo cho người đọc cảm giác hứng khởi, ngôn ngữ giàu sức gợi vẽ lên một khung cảnh quê hương “rất Tế Hanh
BuiXuanTung
BuiXuanTung
THẠC SĨ
THẠC SĨ

Tổng số bài gửi : 450
Điểm : 18132
Reputation : 0
Birthday : 01/01/1967
Join date : 20/04/2010
Age : 57
Đến từ : TP HCM VIET NAM

http://HOCHANH.FORUM-VIET.NET

Về Đầu Trang Go down

NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH Empty Re: NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

Bài gửi by hugo 12/1/2011, 21:22

TẾ HANH: Từ QUÊ HƯƠNG đến... Nhớ Con Sông Quê Hương...
Lê Xuân Quang




Tế Hanh họ Trần, sinh ngày 15.05.1921, tuổi Tân Dậu. Mới nghe tên Thi sĩ, người đọc nghĩ và đặt câu hỏi: Phải chăng Tế Hanh là hậu duệ của đại thi hào Trần Tế Xương? Nhưng sau khi trên báo có một bài viết về Tế Hanh... người đọc mới biết: Cụ thân sinh ra ông, vốn là người yêu thích văn thơ, đặc biệt là thơ của thi hào Tú Xương. Khi sinh con trai – vì cụ cũng mang họ Trần - nên quyết định đặt cho con tên Tế Hanh - mong sau này Trần Tế Hanh theo bước đại Thi hào Trần Tế Xương – cụ Tú nổi tiếng của vùng đất khoa bảng Nam Định...


Tế Hanh được cha rèn dũa, bồi đắp kiến thức thơ văn từ bé, được sống trong làng quê yên bình... tài năng bẩm sinh cộng với ngoại cảnh, môi trường vun đắp, Thi tài trong ông dần định hình. Nhưng vì chưa được ’’Cọ sát’’, Tế Hanh vẫn chỉ ấp ủ Thơ trong lòng, ẩn mình nơi thôn dã...


Sau khi đậu sơ học - cấp Tiểu học ngày nay - ông rời làng Đông Yên Phủ Bình Sơn Quảng Ngãi, ra kinh đô Huế, học lên tiếp. Ở Huế - mới chỉ ở độ tuổi ’’Trăng tròn lẻ’’ - Tế Hanh được Thi sĩ Huy Cận chỉ dẫn, giúp đỡ, khích lệ... ông xuất bản tập thơ Nghẹn Ngào (1) Năm 1939, Tự Lực Văn Đoàn trao giải thưởng Khuyến khích cho Nghẹn Ngào cùng với Bức tranh quê của nữ sĩ Anh Thơ.


Nghẹn Ngào viết về làng quê nghèo nằm ven biển miền Trung. Người đọc cảm nhận được hồn quê, niềm yêu thương tha thiết với quê hương của Tế Hanh qua các vần thơ. Từ việc nhìn con đường nhỏ chạy lang thang xung quanh làng... Ngày hè nghỉ học, ra ga, thấy những đầu máy, toa xe ’’vương vấn trong hơi máy’’, những tiếng xình xịch của máy hơi nước, tiếng lỏang xỏang của xích sắt khi dồn toa... tác gỉa tưởng tượng ra dường như chúng mang ’’đầy nặng khổ đau’’... quan sát Làng chài lứơi với những con thuyền đánh cá, Ngư phủ ra khơi... Tế Hanh thu lượm, biến những thứ bình dị đó thành Thơ, truyền cảm xúc đến ngưòi đọc. Thơ Tế Hanh đặc biệt gây ấn tượng mạnh đối với những người xa nhà, phiêu bạt, khiến sự nhớ thương Quê hương thêm đậm đà da diết. Từ Quảng Ngãi ra Huế không xa, nhưng cũng đủ gợi cho Tác gỉa cảm xúc, thể hiện trong các thi phẩm điển hình: Quê hương, Lời con đường quê, Vu vơ, Ao ước...


Riêng tôi và những bạn học cùng trang lứa thời thơ ấu, bài thơ Quê Hương có một kỉ niệm sâu đậm: Thầy gíao dậy chúng tôi ở trường làng chừng trên dưới 60. Lớp học gồm nhiều lứa tuổi. Có nhiều anh, thậm chí nhiều chú - cùng học chung một lớp với lũ ’’tí nhau’’. Môn văn, chia ra: Tập đọc, học thuộc lòng, nghe thầy bình giảng và tự làm Luận. Sách dây văn gọi là Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tới cuối những năm 40 của thế kỉ trưóc - sách soạn bổ xung đổi thành Tân Quốc Văn. Thầy biết cả Hán học, Pháp văn, còn Việt Văn thì khỏi nói. Thầy giảng văn rất hay... Tuy vậy, vốn ham chơi, chúng tôi chưa thật chăm, Thầy lại tận tụy với nghề, rất nghiêm khiến bọn tôi như bị ’’cưỡng bức’’ phải chăm học.


Giờ Quốc Văn lần này, thầy bình giảng bài thơ Quê Hương của Thi sĩ Tế Hanh.
Tôi nhớ rõ bài Quê Hương in trong TQV với nhiều bài viết của các tác gỉa quen thuộc đương thời: Nhà Mẹ Lê (Thạch Lam), Chùa Long Giáng (Khái Hưng), Lô Hồ (Lan Khai), Dọc đường gío bụi (Hoàng Đạo) và rất nhiều tác gỉa khác...


Anh học sinh lớn nhất lớp đọc thuộc lòng bài thơ. Giọng anh ngân nga đầy âm điệu khiến lũ trẻ ờ đồng bằng mường tượng ra ngay làng Chài ven biển, vào một buổi ’’sớm mai hồng’’... con thuyền giương cánh buồm nâu với những Ngư phủ vạm vỡ, cường tráng ’’làn da ngăm rám nắng’’ – ra khơi... Từ bài thơ, chúng tôi cảm nhận được tất cả khung cảnh làng Chài với những hình ảnh, mầu sắc sống động...
Khi cả lớp im lặng tập trung nghe... Đột nhiên có tiếng xì xầm, ’’chí chóe’’ như hai kẻ đang tranh giành nhau cái gì đó... Thầy ngừng nói, hơi cúi đầu, cặp kính Lão trễ xuống mũi: Phía sau mắt kính là đôi mắt sáng (như hai vệt đèn Pin), trừng trừng phóng vào chỗ mất trật tự. Sau đó… sau đó - y như rằng: Hai thủ phạm gây ra ồn ào bị truy hỏi bài... bí đến ’’tắc nghẹn’’.


Thực ra, bắt chúng tôi phải chăm học còn một nguyên nhân khác: Chiếc roi Mây treo trên góc bảng. Trí tưởng của bọn trẻ hình dung nó là... ’’hung thần’’. Tuy chỉ là đồ vật, nhưng khi nhìn chăm chú, dường như nó nói ra lời: Hãy coi chừng! Đừng để ta vút vào mông các cậu! Ác cái, thầy treo chiếc roi Mây ở góc phải trên bảng khiến hầu như các cặp mắt của cả lớp đều thường xuyên nhìn thấy và ’’nghe’’ được tiếng nó... ’’doạ’’.


Giờ tập đọc, bình giảng xong, thầy yêu cầu cả lớp về nhà phải học thuộc.
Quê Hương dài 20 câu, thể thơ tự do, câu 8 chữ - hẹn 3 hôm sau sẽ kiểm tra cho điểm. Mấy đứa ngồi cạnh nhau súyt soa: Thế là hết cả Dế với Ve, (Dế mèn được chúng tôi thích vì chúng là chiến binh chọi hăng nhất trong các con vật biết chọi…).


Đúng hẹn trả bài, thầy gọi từng đứa lần lượt đọc. Đứa nào đọc, thuộc, giọng hay được cho điểm cao, ngồi yên chỗ, không thuộc tự động lên khoảnh đất trước tấm bảng đen - xếp hàng nằm xấp, duỗi thẳng cẳng... chờ. Tai ác thay, nằm dưới lại vừa đúng tầm hướng mắt vào chiếc roi Mây treo trên đầu, các ’’tội nhân’’ chỉ còn biết rùng mình và… run.


Khi đã gọi hết lượt, thầy quay sang hỏi đám đang nằm dài: Trò nào muốn, đứng lên đọc, thuộc - về chỗ, không thuộc - nằm nguyên. Chỉ có 2 đứa thoát nạn, còn lại 6, mỗi thằng nhân 2 roi mậy.
Chao ơi! Roi mây… Roi mây - Nổi kinh hoàng của đám trò lười nhác, ham chơi: Nó dài chừng 0,70 mét, làm bằng đoạn cây Mây, đường kính chừng 5 đến 7 li - thôn quê trồng để làm lạt buộc cạp rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia … Mây dai, bền một cách đặc biệt. Ở cán cầm, được cuộn lại thành vòng tròn để luồn tay vào cho chắc rồi vung lên, giáng xuống… Trời!


Kinh hãi nhất: Roi tha hồ quật, vụt - đoạn Mây không hề gẫy, gập. Dường như quật vào người càng nhiều, chiếc roi càng mềm, dẻo khiến hút… ‘’thịt’’ - càng mạnh!
Bạn thử nghĩ xem: Nằm dài, im lặng chờ ngọn roi quất vào mông thật không có gì khủng khiếp bằng. Chẳng biết ai, từ khi nào đã ‘’phát minh’’ ra thứ dụng cụ để thầy gíao thay bố ‘’uốn nắn’’ bọn ham chơi - hữu hiệu đến thế!


Cả lớp xanh mắt mèo…
Mấy đứa con gái - mặc dù chỉ phải ngồi chứng kiến nhưng chiếc roi vun vút, giáng xuống mông bọn con trai, phát ra tiếng đen đét - làm chúng sợ. Mỗi khi chiếc roi sắp quất xuống mông, chúng lại nhắm mắt, dúm dó - trông thật buốn cừơi. Lãnh đòn xong, Thầy còn nhắc: Ngày mai các trò phải đọc lại, nếu không thuộc, sẽ bị phạt như hôm nay. 6 đứa mông đau đã đành nhưng đau hơn là chịu hình phạt trước bao nhiêu cặp mắt của bạn bè, nhất là lũ con gái. Cứ nghĩ lại, thấy chúng nhăn mặt… khiếp sợ… cảm thấy nhục qúa…
Tan học, 6 đứa loạng choạng lê bước trên đường làng. Ba đứa mông tấy đau, rức phải được bạn dìu. Riêng thằng ‘’Mập’’ – con ông Lang thuốc, nhà có hiệu thuốc Bắc - xem ra đau nhất. Nó béo ục ịch, mông núng nính những thịt, có lẽ vì vậy mà roi mây ‘’hút’’… thịt khiến Mập đau hơn, khi roi chạm mông nó rú to nhất. Cu cậu không bước được, mồm rên ư ử… hít hà… Không kìm được tò mò, mấy đứa giúp dìu, vén ống quần đùi, vạch mông cậu ta, xem: Một vệt ‘’sưng’’mầu hồng - giống như con lươn đũa, nhỉnh hơn chiếc roi Mây - chạy từ mông bên này, vắt sang mông bên kia. Đó là kết qủa của việc ham bắt ve sầu, say bắt chuồn chuồn Ngô, chuồn Ớt (đỏ chói, đẹp một cách hấp dẫn) - không chịu học thuộc lòng bài Quê Hương của Thi sĩ Tế Hanh.


Một thằng có khiếu hài hước (sau này trở thành nhà văn N…), tuy không bị ’’quật’’, nhưng vẫn ôm mông, khệnh khạng, vặn vẹo, mồm rên rỉ: Ôi Quê hương, Quê hương!


Sao mà ‘’đau’’, mà ‘’rức’’ .
Nhìn bộ dạng - ‘’tướng Khỉ’’ - của nó làm trò trên nỗi đau của các bạn, tôi giận lắm. Nhưng ngẫm ra thật đúng cảnh, đúng tình… cả bọn lại hùa nhau cười vang.
Những thằng bị đòn cũng cười - trông cứ như… mếu!


Vẫn chưa hết chuyện: Hôm sau thằng ‘’Kều’’ - chúng tôi đặt cho thằng Giang biệt danh vì nó cao ngỏng cao ngẻo như cây sậy – than phiền với cả bọn, giọng lộn xộn… có thể tóm tắt: Thật ’’bất công’’! Một lần tớ bị lão hàng xóm say rượu làm ’’trầy da’’, ngay lập tức bố tớ tiện việc đi chặt tre, xách Dao rựa (2) đến ’’tính sổ’’ với kẻ làm con ông đau. Thế mà bây giờ tớ ’’lê bước’’ về, mẹ vừa suýt xoa, vừa bóp thuốc… tớ ấm ức khóc. Ai ngờ ông gìa ở ngoài về hỏi đầu đuôi, mẹ tường thuật, bố tớ trợn mắt: Bà lui ra! để đấy tôi ‘’xoa bóp’’ cho nó!


Mẹ tớ miễn cưỡng, lẳng lặng ra ghế ngồi.
Bố hỏi: Thế vì sao thầy đánh đòn?
Tớ không dám nói thật chỉ ấp úng: Vì… vì… Đến đây thì nín thít.
Bố tiếp : Vì bỏ học, đi lêu lổng, không thuộc bài chứ gì? Ông gìa còn nói một thôi một hồi về ý nghĩa của việc học… rồi dẫn ra một câu chữ Nho - ’’ Nhân bất học, bất chi lí. Ấu bất học, Lão hàn vi’’. Sau rốt kết luận: Ngày mai bố sẽ đến nói để thầy biết: Về nhà con không chịu học, chỉ suốt ngày hết đáo lỗ đến săn dế, bắn chim…


Tôi òa khóc van xin rối rít: Con hứa sẽ không như thế nữa… xin bố đừng nói với thầy. Hai bố mẹ nhìn nhau, gật đầu. Thế rồi tớ nín khóc, bò dậy khỏi giừơng dở sách học. Chỉ sau hơn một giờ đọc to, đọc đi đọc lại, tớ thuộc làu bài Quê hương.
Nghe ‘’Kều’’ nói xong, mấy đứa bị đòn lại thi nhau kể chuyện về nhà, thái độ bố mẹ ra saö? Té ra tất cả họ đều đồng tình với việc thầy phạt. Thời đó, Thầy là trên hết! Đạo lí: Tôn sư trọng đạo được các bậc cha mẹ coi trọng!


Còn đây – Bài thơ làm cho tôi và mấy thằng bạn khốn khổ khi xưa… nhưng nhờ đó đã thuộc đến độ - hơn 50 năm rồi, tôi vẫn nhớ:


QUÊ HƯƠNG

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá


Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồn giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thân góp gió


Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng lũ lượt kéo ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng


Dân chài lưới lần da ngăm rám nắng
Tỏa thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vó.


Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Mầu nước xanh, cá bạc, cánh buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn qúa!


(Nghẹn Ngào)


Gần 20 năm sau từ buổi bị ‘’ăn roi mây’’- khoảng đầu những năm 60 của thế kỉ 20 - tình cờ một hôm đi làm ca đêm. Tôi đứng dưới chiếc loa công cộng, chờ xe đưa thợ Mỏ lên tầng cao làm việc. Đài Tiếng nói Việt Nam đang phát chương trình tiếng thơ. Nghệ sĩ ngâm thơ (hình như Trần Thị Tuyết) – trình bầy bài Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh. Thật kì lạ, đây là tâm tình của tác gỉa nhớ con sông quê hương ông ở miền nam, nhưng chẳng hiểu sao tự dưng lòng tôi lại rạt rào thương nhớ con sông quê mình. Tôi cũng xa quê dù chỉ mấy trăm cây số chứ không xa như Thi sĩ Tế Hanh xa quê ông.... Con sông của Tế Hanh đang được gịong ngâm mượt mà, thiết tha của nghệ sị tài danh thể hiện, làm tâm hồn người nghe bay bổng, khơi dậy trong tôi nỗi nhớ con sông quê mình. Giòng sông - nơi mùa hè, chúng tôi cũng đã từng ra tắm, bơi thi, đuổi nhau, mò cá bắt trai, hến... Con sông của làng tôi không có bụi tre, nhưng trên bờ có cây si, cây đa, rủ cành lá, che rợp một đoạn mặt nước. Lời thơ đưa người nghe từ thực tại ngược về qúa khứ... rồi phảng phất trong trí tưởng...
Một thoáng bâng khuâng cùng Thi sĩ Tế Hanh:
...
Toàn quốc Kháng chiến...
Tế Hanh ''Cầm súng xa nhà đi kháng chiến''... 9 năm sau – 1955, ông ra Bắc tập kết. Hình ảnh quê hương miền Nam ngày đêm nhức nhối trong lòng. Gần ba mươi năm tính từ khi ông xa làng Đồng Yên – Bình Sơn. Từ Qủang Ngãi đến Huế, rồi ra tận Hà Nội xa xôi – bài ‘’Quê hương’’ thứ hai ra đời. Nhớ Con Sông Quê Hương đăng trên báo, ngâm thơ trên đài phát thanh, trình bầy trong các chương trình văn nghệ - đã làm khán thính giả miền Bắc xúc động.
Tế Hanh viết về con sông quê hương mình ở miền Nam, nhưng người đọc miền Bắc lại đồng cảm với thi sỹ và liên tưởng tới con sông quê hương của họ với những ký ức xa xăm của quá khứ, để lại trong họ nhiều kỉ niệm thân thương... Đột nhiên tình yêu quê hương của từng người, được những vần thơ của Tế Hanh kích thích, chắp cánh… trí tưởng tượng bùng dậy :


NHỚ CON SÔNG QUÊ HƯƠNG


Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi bóng những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè...
Toả nắng xuống lòng sông thấp thoáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm của giòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi nhớ mãi mối tình mới mẻ.


Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhẩy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bẩy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi dơ tay ôm nước vào lòng
Sóng mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới trên sông
Kẻ cuốc cầy mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến..
Lòng tôi bỗng mưa nguồn sóng biển
Lại trở về lưu luyến bên sông.


Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng miền Nam...
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng mầu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết...
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chẳy, lòng tôi như suối tưới...
Quê hương ơi, lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một giòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được


Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương...

Cả hai bài thơ đều viết về Quê Hương ở hai thời điểm cách xa nhau gần 30 năm. Cho đến bây giờ , nếu tính từ bài Quê Hương – thi phẩm đã tồn tại hơn 70 năm. Người đọc, đọc lại - vẫn rạt rào cảm xúc!
Các Nhạc sĩ cũng sáng tác về Quê Hương - Làng quê mình…
Các Thi sĩ, Văn sĩ khác cũng viết về Làng quê, về Quê hương …
Còn Tế Hanh viết về Quê hương ông: Cửa biển, làng chài, cánh buồm nâu, những ‘’con cá tươi ngon thân bạc trắng’’, và ‘’con sông quê mát rượi’’… Đó là đặc trưng của mảnh đất quê ta, dù từ Bắc đến Trung rồi Nam, đau đâu cũng có những Cảnh, nhửng Người những Tình - giống nhau đến kì lạ! Nơi nào ta đã sinh ra, lớn lên rồi vì lí do này hay lí do khác - vì mưu sinh - phải xa nó, nhưng dù đi đâu, ở đâu, dù bao năm xa cach, hình ảnh nó vẫn đọng lại trong kí ức, vẫn mang trong lòng rồi bật lên hai tiếng: Quê Hương.
Thi sĩ Chế Lan Viên đã nói thật chí lí:
‘’…
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua mà chẳng thấy yêu thương
Nơi ta ở chỉ là đất ở
Nơi ta đi - đất bỗng hóa tâm hồn…’’


Rồi đây sẽ có nhiều người sáng tạo ra những tác phẩm Nghệ thuật – Văn học đề tài Quê hương, với nhiều sắc thái, cấp độ, quy mô khác nhau, tựu trung: Tất cả đều nặng lòng với mảnh đất nơi ta sinh ra, lớn lên, nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta sinh sống, nơi 54 dân tộc đã, đang quần tụ…


Văn hào Liên Xô (cũ) - Ilia Ê ren bua - đã nói một câu nổi tiếng, đại ý: Yêu tổ quốc chính là từ lòng yêu quê hương. Tình yêu đó bắt nguồn từ yêu: cái cây, ngọn cỏ, giòng sông, gềnh đá, con đường, biển trời, cánh rừng, bài hát, câu ca dao, mái tranh, người thân… Tất cả gộp lại, nhào trộn nhuần nhuyễn: Đó chính là nơi mảnh đất tổ tiên, cha ông ta đổ xương mắu, mồ hôi, nước mắt - bồi đắp, dựng lên. Trên từng thước đât của mảnh đất này đã thấm đẫm mắu, trộn lẫn thịt xương các thế hệ đời đời nối tiếp của dân tộc Việt Nam…


15.08.07


(1) - Sau đó được đổi tên thành Hoa Niên.
(2) – Dao Rựa – Nông dân Việt dùng để chặt cây, chặt Tre, chẻ lạt, chặt xương lợn (thay cho Rìu của nông dân xứ khác). Dao phay để cắt thịt, cá, rau… Dao bài: Bổ cau têm trầu, bổ bưởi… Dao Nhíp - nhỏ nhất - để cắt những vật nhỏ như sợi chỉ khâu hoăc cắt móng tay




hugo
Thành Viên Tích cực
Thành Viên Tích cực

Tổng số bài gửi : 7
Điểm : 10747
Reputation : 2
Birthday : 23/04/1956
Join date : 07/09/2010
Age : 68

Về Đầu Trang Go down

NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH Empty Re: NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

Bài gửi by hugo 12/1/2011, 21:23

CẢM NHẬN VỀ HÌNH ẢNH QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ TẾ HANH


Quê hương trong xa cách là nguồn đề tài vô tận, là cả một dòng cảm xúc dạt dào, lấp lánh suốt đời thơ Tế Hanh. Cái làng quê nghèo ở một cù lao trên sông Trà Bồng đã nuôi dưỡng tâm hồn Tế Hanh, đã trở thành nguồn cảm xúc vô tận để ông viết nên những vần thơ tha thiết, lai láng như : “Nhớ con sông quê hương”, “Quê hương”, “Trở lại con sông quê hương”. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung - Quãng Ngãi, một vùng đất cằn cỗi, quanh năm chỉ có gió và cát, một vùng quê nghèo. Do hoàn cảnh bắt buộc, ông rời xa quê hương từ thuở thiếu thời. Trong thời gian xa quê ông viết rất nhiều tác phẩm, chủ yếu là về quê hương, bằng tất cả những tình yêu, nỗi nhớ của mình. Một vùng đất đầy thơ mộng và rất đẹp trong thơ Tế Hanh. Trong đó có nói con sông quê mà ông gắn bó :

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Xa quê, xa cả con sông. Có thể nói đó là nỗi đau của ông.

Qua những kỉ niệm, hồi tưởng về con sông trong “nỗi nhớ con sông quê hương”, Tế Hanh đã thể hiện một tình yêu quê hương tha thiết, mãnh liệt, một hình ảnh quê hương thân thiết, ruột rà.

- Làng tôi ở vốn nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

- Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Thế đấy, quê hương trong thơ Tế Hanh hiện lên đẹp và mát dịu như vậy. Còn người dân quê thì mạnh mẽ, tinh tế, sống động :

Dân chài lưới làn da ngăm dám nắng
Có thân hình nồng thở vị xa xăm

Chỉ có ai là con người của sông nước, vạn chài mới có thể tạo được hình ảnh người dân chài giữa đất trời lồng lộng gió với đủ hình khối, màu sắc và hương vị. Chất muối mặn nồng ngấm vào thân hình người dân quê hương cũng như ngấm sâu vào làn da, thớ thịt vào tận tâm hồn thơ Tế Hanh. Bằng giọng thơ giãi bày, phơi trải, ông đã kể về kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp :

Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bẩy...
Tôi đưa tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Cao hơn, trong xa cách, nhưng với sức mạnh của tình quê, không chỉ có hình ảnh đặc trưng của quê hương "Màu nước xanh, cá bạc cánh buồm vôi / Thoảng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi" hiện ra mà nhà thơ còn cảm nhận được cả mùi vị quê :

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá

Quê hương Tế Hanh là một làng chài nghèo, người dân sống cần cù, khó nhọc, thế nhưng khi nhớ về quê, ông lại chỉ thấy vẻ đẹp tươi sáng. Phải chăng đó là nhờ làng quê ấy có con sông êm đềm, tuơi tắn, lại gần biển tự do, phóng khoáng và nhất là nhờ trái tim tuổi trẻ khoẻ khoắn ? Mặt khác, cùng tình cảm đằm thắm, kỉ niệm sâu lắng, đẹp đẽ, lời kể theo lối giãi bày, thủ thỉ chân thật và khả năng miêu tả những cảm giác bên trong chân thành, mộc mạc, nên ở thơ Tế Hanh, con sông trở thành một hình tượng thẩm mĩ, gợi cảm, đầy chất trữ tình.

Đối với Tế Hanh, quê hương luôn là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa. Ca dao, dân ca dường như cũng đã ngấm sâu vào hồn thơ Tế Hanh. Dù ở phương trời nào lòng ông vẫn nhớ quê hương, nó luôn dạt dào, cháy bỏng trong ông khiến nhà thơ thấy được hình ảnh quê hương liên tục hiện ra. Quê hương chính là sức sống của ông, ở một khía cạnh nào đó, ta lại thấy tình yêu quê hương của Tế Hanh rất đa chiều và phức tạp. Lúc da diết, ngập tràn với “Nhớ con sông quê hương”, nhưng lúc khác lại cho người đọc thấy một hồn thơ trẻ trung phơi phới của “Quê hương”. Nhưng dù ở góc độ, khía cạnh nào thì nó đều ẩn chứa một tình yêu, nỗi khát khao đoàn tụ, bày tỏ khát vọng gặp gỡ cụ thể. Không như thơ Huy Cận, Lưu Trọng Lư đầy chất mộng ảo, không như thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên hun hút sầu thương, thơ Tế Hanh trong sáng, khoẻ mạnh, đắm đuối rất thực. Bởi ông có một vùng quê bằng xương, bằng thịt, mà ông luôn dõi theo bằng đôi mắt rất thực, bằng trái tim có địa chỉ rõ ràng.

Suốt nửa đời người, do thời thế, Tế Hanh phải xa quê, khi trở lại sau mùa hè đại thắng, thống nhất đất nước - 1975, con sông và làng quê đã đổi thay nhiều :

Tôi nhìn sông bên lở bên bồi
Tre thưa thớt ngập tràn lau cỏ
Trong ánh sáng ngả nghiêng theo chiều gió
Thuyền máy dọc ngang tỏ trắng lòng sông
Nhà dân chài giăng những lưới ni lông
Màu xanh đỏ ngời ngời ánh nước
Kìa bãi sú nơi sáu năm về trước
Giặc Mĩ bao vây sát hai mốt trung đội dàn quân
Cây mù u không còn ngả bóng bên cồn
Cây xanh trước đình thân chỉ còn một nửa
Tác giả thật sự ngỡ ngàng :
Tôi đi học bờ sông bỡ ngỡ
Quên cả khúc quanh rẽ lối vào nhà

Quê hương đẹp đẽ thơ mộng trong tâm trí tác giả nay trần trụi những vết thương chiến tranh, vết thương do chia cắt đất nước. Tác giả vừa vui vừa đau buồn một nỗi "hồi hương".

Trở về, gặp lại, tuổi cũng đã cao, quê hương thì đổi thay như thế, nên sau này, dẫu quê nhà vẫn mến yêu, thổn thức trong trái tim nhà thơ, nhưng thơ về quê hương của Tế Hanh thì đã khác. Không còn cái sức hấp dẫn của vẻ đẹp trai tráng. Cho nên, có thể nói, người ta chỉ còn nhớ đến những bài thơ về quê hương, con sông quê của ông mấy mươi năm về trước. Dù sao thế cũng là quá đủ với một đời thơ.

Có thể nói những bài thơ về quê hương trước và hai mươi năm sau Cách mạng Tháng Tám của Tế Hanh đã cất lên một tiếng ca trong trẻo, nồng nàn, thơ mộng về con sông hiền hòa đã “tắm cả đời tôi”, về cái làng vạn chài từng ôm ấp, ru vỗ tuổi thơ ông. Mỗi chúng ta một lần nữa vui mừng khi được giao tiếp với một hồn thơ khoẻ mạnh, trong sáng song lại rất đỗi bình dị mà sâu sắc. Nó không hề làm nặng đầu ta với những bóng dáng siêu hình hay những vô thức u minh, nó chấp cánh mộng mơ, bồi đắp cho mỗi chúng ta tình yêu quê hương thắm thiết, là điểm trở về bình yên của ta trong cuộc đời nhiều bươn trải, cũng là sự thôi thúc ta vươn lên.


Nguồn: Lưu Đức Hạnh

hugo
Thành Viên Tích cực
Thành Viên Tích cực

Tổng số bài gửi : 7
Điểm : 10747
Reputation : 2
Birthday : 23/04/1956
Join date : 07/09/2010
Age : 68

Về Đầu Trang Go down

NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH Empty Re: NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

Bài gửi by dâutâyvuivẻ 12/1/2011, 21:56

cảnh vật tạo nên cảm xúc, tình cảm của con người hay con người có một tâm hồn, có tình cảm để rung động khi đứng trước sự vật nhỉ...
dâutâyvuivẻ
dâutâyvuivẻ
CỬ NHÂN
CỬ NHÂN

Tổng số bài gửi : 140
Điểm : 12379
Reputation : 0
Birthday : 01/01/1997
Join date : 29/04/2010
Age : 27
Đến từ : binh thuan

Về Đầu Trang Go down

NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH Empty Re: NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

Bài gửi by thanhvienvip 9/5/2011, 12:24

Noi cunf asknchaz zxas as

thanhvienvip
CỬ NHÂN
CỬ NHÂN

Tổng số bài gửi : 105
Điểm : 12242
Reputation : 2
Birthday : 02/04/1978
Join date : 28/08/2010
Age : 46

Về Đầu Trang Go down

NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH Empty Re: NGHỊ LUẬN VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BÀI THƠ "QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết