Năm nay có trên dưới 13.000 học sinh không được vào các trường công lập. Vậy làm sao để ôn luyện hiệu quả nhỉ?

Teen lớp 9 đang sắp "đối đầu" với kì thi tuyển sinh đầu cấp đầy cam go. Đây là lần đầu các teen có cảm giác "áp lực" thật sự, bởi lần thi chuyển cấp đầu tiên trong đời hồi lớp 5 chẳng có gì khó khăn cả. Hơn nữa, theo tính toán của Sở, thì năm nay có trên dưới 13000 học sinh không được vào các trường công lập. Vậy làm sao để ôn luyện hiệu quả nhỉ? Có cách nào giảm áp lực không? Hì, những phương pháp sau đây có thể giúp bạn phần nào đấy!

Kì thi tuyển sinh lớp 10 năm nay vẫn như năm trước, gồm 3 môn: Toán, Ngữ Văn và môn thứ 3 sẽ khác nhau tùy theo từng khu vực. Do ngày nào cũng phải ôn luyện liên tục 3 môn nên có thể teen sẽ hơi nản và "ngán" một tí. Tuy nhiên, kết quả đạt được có tốt hay không là tùy vào sự sắp xếp, phân bố thời gian của từng bạn. Sau đây là những gợi ý thú vị đã mang lại hiệu quả cho rất nhiều teen rồi đấy!

1. Chuẩn bị

Bạn cần 3 quyển tập 200 trang cho 3 môn học. Nên giữ cẩn thận, kĩ lưỡng những quyển tập này, và viết chữ rõ ràng, sạch đẹp vào đó. Nó sẽ khơi dậy hứng thú khi bạn ôn luyện. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị tất tần tật các dụng cụ học tập cần thiết như: bút chì, viết, bộ thước, compa và một quyển tập nháp, nếu được 200 trang thì càng tốt. Ngoài các đề cương, tài liệu thầy cô phát, tốt nhất bạn nên tìm thêm các tài liệu năm ngoái, nó sẽ hữu dụng hơn cả những tư liệu hiện tại. Bạn không nên ôm đồm bằng cách mua quá nhiều sách tham khảo, đôi khi nó còn phản tác dụng do đề tham khảo không bám sát nội dung ôn. Chỉ cần xấp tài liệu thu thập được từ các trường khác nhau là đủ.

2. Đối với môn Toán

Trước tiên, bạn nên bắt tay vào làm thử các đề thi Toán năm ngoái. Vì đây là năm thứ 3 thực hiện chương trình cải cách nên chỉ có 2 đề thi để bạn tham khảo. Bạn không nên tự chấm điểm cho mình sau khi làm thử các đề này, vì dễ gây ra tâm lý hoang mang. Hơn nữa, kết quả đó cũng chưa chính xác vì bạn chưa hề ôn luyện mà. Hãy cùng làm việc theo nhóm, sau đó tổng hợp thành một bài làm hoàn hảo rồi chép cẩn thận, kĩ lưỡng vào tập và "nghiên cứu" lại. Kế đến, bạn mới bắt đầu ôn lại kiến thức của cả năm học lớp 9 bằng việc xem kĩ lý thuyết trong sách giáo khoa. Việc giải thử đề thi chỉ là để "khởi động" cho bộ não. Não bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ lại một cách khoa học những lý thuyết khô khan nhờ vào tư duy logic khi giải Toán.

Kiến thức đã vững, bạn mới bắt đầu "chiến đấu" với xấp tài liệu. Mỗi ngày, bạn chỉ nên làm 1 đề. Song song đó, bạn nên chia ra từng dạng Toán để đào sâu kiến thức hơn. Ví dụ, ngày hôm ấy bạn làm thử 1 đề tham khảo, sau đó lo ôn luyện cách rút gọn các biểu thức có dấu căn và làm tất cả các dạng bài liên quan đến nó. Qua ngày hôm sau, bạn cố nắm kĩ việc nhận biết "tứ giác nội tiếp" và làm những bài hình học căn bản.

Việc phân loại ra ôn luyện sẽ giúp bạn nhớ thật sâu cách giải bài. Hơn nữa, khi đã làm nhuần nhuyễn tất cả các dạng, bạn không cần phải làm mỗi ngày 1 đề tham khảo nữa. Việc ôn luyện giờ đây khá nhẹ nhàng.

Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy rất nản. Bởi có những bài toán khó giải hoài không ra, và cứ nhiều bài khó chồng chất lên nhau như thế sẽ làm hao mòn sự kiên nhẫn của bạn. Do vậy, hãy làm sơ qua trong giấy nháp để xem xét bài đó khó hay dễ. Nếu bài đó quá khó, bạn có thể ghi lại đề vào giấy nháp và làm nó sau khi hoàn thành bài tập căn bản. Chỉ cần bạn kiên nhẫn một chút là bạn sẽ dần thành công.

Thỉnh thoảng bạn nên xem lại các định lý năm lớp 6, 7, 8. Nó sẽ giúp ích nhiều cho bạn khi giải bài toán hình học nâng cao.

Hãy phân loại ra: Hình học và Đại số rõ rệt, đừng học hỗn tạp, sẽ rất khó tiếp thu.

Học nhóm là cách tốt nhất giúp bạn rèn luyện khả năng tư duy để làm các bài toán nâng cao. Các bạn nên tự chấm điểm cho nhau, đồng thời nên "chia sẻ" các đề toán do mỗi người thu thập được để đánh đố nhau, sẽ rất hiệu quả.

3. Và môn Văn

Ngoài quyển tập 200 trang để thầy cô rèn luyện trên lớp, bạn cần một quyển tập riêng để rèn luyện tập làm văn nữa. Trước hết hãy nhờ cô thống kê tất cả các đề văn cần phải phân tích để ôn thi, sau đó, cứ theo thứ tự, bạn hãy làm những đề ở học kì 1 trước, sau đó mới đến học kì 2. Bạn nên dành nhiều thời gian cho các đề học kì 1 vì thời gian đã làm cho bạn quên đi khá nhiều nội dung.

Tuyệt đối không được học thuộc lòng các đề tập làm văn thầy cô cho sẵn, nó sẽ khiến đầu óc bạn rối tung lên và lười tư duy, sáng tạo. Đến khi thi thì ý tưởng biến đâu mất, các bài học tủ cũng chả nhớ bao nhiêu.

Tốt nhất, mỗi ngày bạn nên làm một đề tập làm văn. Nghe qua có vẻ quá khả năng, nhưng sự thật không phải bạn ngồi 3, 4 tiếng đồng hồ để làm một bài văn dài 5, 6 trang giấy. Chỉ cần bạn tóm lược những ý phân tích hay, sáng tạo mà trong văn mẫu không có, hoặc nghĩ ra một mở bài thật độc đáo là được. Mỗi ngày, bạn chỉ nên làm một đề. Quan trọng là phải biết cách nắm ý, diễn đạt có hồn. Những đề văn mẫu chỉ giúp bạn có đủ điểm để trên trung bình. Như bạn biết đó, những ý tưởng sáng tạo do chính học sinh viết luôn được điểm cao hơn những đề văn mẫu có sẵn. Khi đọc lướt qua một bài tập làm văn, ắt hẳn thầy cô sẽ phân biệt được đó là "hàng thật" hay "hàng nhái".

Riêng về phần viết đoạn văn, quan trọng nhất là phải đảm bảo số dòng, số câu theo quy định. Bạn phải có câu chủ đề để triển khai ý. "Bí quyết" để đạt điểm tuyệt đối khi viết đoạn văn ngắn là: đủ số dòng quy định, có câu chủ đề mở đầu, đi vào đúng trọng tâm đề bài và không được phép tách đoạn xuống dòng, nội dung đạt yêu cầu. Nội dung trong một đoạn văn nghị luận xã hội cần có: mở bài (từ 2-3 câu); thân bài gồm nêu luận điểm (2-3 câu), biểu hiện (3-4 câu), hậu quả (2-3 câu); kết bài gồm nêu lên quan điểm và liên hệ thực tiễn (khoảng 4 câu). Đối với đoạn văn nêu cảm nghĩ về một câu ca dao tục ngữ thì bạn chỉ cần thay phần "hậu quả" nêu trên bằng ý nghĩa của câu ca dao tục ngữ đó trong đời sống. Tùy theo số câu quy định mà bạn phân chia ra từng phần cho phù hợp.

Còn phần kiến thức giáo khoa, bạn nên học thật kĩ. Tuy nhiên phải biết giản lược những phần không cần thiết. Đọc đi đọc lại nhiều lần sẽ giúp bạn thuộc mà không cần học.

4. Môn thứ 3

Môn này hiện tại sắp được công bố tùy theo từng vùng. Nếu là các môn "Lý, Hóa" thì bạn chỉ cần ôn luyện như đối với môn Toán. Nếu là một trong những môn "Sinh, Sử, Địa" thì bạn chỉ cần học thuộc lòng. Nếu là môn Anh, bạn nên ôn kĩ các câu trúc câu và phần "Word form". Các câu "Transformation" nên được ôn thật nhuần nhuyễn. Cũng như 2 môn trên, bạn nên sưu tầm tất cả các tài liệu của những năm trước càng nhiều càng tốt. Nhưng trước hết nên ôn kĩ kiến thức trong sách giáo khoa. Về phần phát âm thì bạn nên ôn theo từng vần để dễ nhớ. Tất cả những kiến thức như "Word form", "Các động từ bất quy tắc", "Một số ngữ pháp căn bản"..., bạn nên học theo cách riêng của bạn, đừng học vẹt, sẽ phản tác dụng. Ngoài ra bạn nên có tâm lý ổn định, đừng vì áp lực đề thi các năm trước mà lo vu vơ, ảnh hưởng đến việc học tập, không hay. Nếu bạn nắm vững kiến thức thì chắc chắn bạn sẽ được điểm cao.
Chúc các teen lớp 9 thi tuyển đạt kết quả như mình mong đợi!